Tôi chỉ là một cô thợ may chân chất. Lấy được người chồng dạy văn cấp ba nho nhã, hiểu biết rộng, ai cũng khen tôi tốt số. Cuộc sống tuy thiếu thốn trăm bề nhưng vợ chồng luôn thuận hòa…
Đời sống vợ chồng tôi chật vật hơn khi có con. Suy tính kỹ, tôi bàn với chồng chuyển sang buôn bán. Anh không đồng tình, sợ tôi chỉ lo bán bán mua mua rồi bỏ bê gia đình.
Vết rạn
Tỉ tê thuyết phục mãi, cuối cùng, anh cũng phải nhượng bộ. Gom chút vốn còm, tôi hùn hạp với bạn mở sạp vải. Sẵn có duyên buôn bán, tôi thích nghi khá nhanh. Rồi sau mấy chuyến hàng trúng mánh, tôi gom tiền mua đất. Giá đất lên, tôi lại bán đi mua miếng lớn hơn. Mười mấy năm lăn lộn trên thương trường, một tay tôi gầy dựng nhà cao cửa rộng và thành lập công ty bất động sản.
Nhưng hình như chính tôi đang đẩy mình ra xa sợi dây gắn kết vô hình giữa ba thành viên trong nhà. Chồng tôi khuyên nên bớt việc để lo cho con thì tôi gạt đi. “Không có tiền thì lấy gì lo?”. Tôi tranh thủ mọi cơ hội kiếm tiền. Chồng không hài lòng về tôi. Tôi cũng dần chán hình ảnh anh thầy mẫu mực ngày ngày lên lớp rồi cặm cụi ghi chép. Trót lấy anh, tôi đành chịu. Nhưng tai hại là con trai tôi càng lớn càng “sao y bản chính” của anh, từ tính tình cho đến sở thích văn chương. Tôi cảm thấy lạc điệu trong chính ngôi nhà của mình.
Suýt trả giá
Đỉnh điểm là hết cấp 3, thằng bé chọn thi vào đại học sư phạm văn khiến tôi ngã ngửa. Ngay từ đầu, tôi bắt buộc con học kinh tế “để có tương lai xán lạn”. Thằng bé vốn ngoan mà giờ dám trái ý mẹ. Tôi ngọt nhạt đủ kiểu nhưng con vẫn không nghe. Chồng lại bênh con khiến tôi càng điên tiết.
Khóc lóc, than thở không ăn thua, tôi đành dùng tới biện pháp mạnh. Tôi đem hết mớ tiểu thuyết, văn thơ đem cất vào tủ khóa kỹ, không cho thằng bé sờ đến. Nhưng tách khỏi sách vở, nó càng ngơ ngẩn, không chịu học hành gì. Nói mãi con không nghe, tôi nóng giận quơ mớ sách báo – những quyển sách chồng tôi xem như báu vật – quăng, xé, vò điên cuồng. Chồng tôi từ ngoài bước vào, lao tới tát tôi một cú trời giáng. Lần đầu tiên bị chồng đánh, tôi lớn tiếng chì chiết, xúc phạm anh.
Chồng lặng lẽ dọn quần áo về quê. Nguôi giận, tôi ngồi sững trước đống sách vở nhàu nát mà không khỏi lo sợ. Nhưng sự bảo thủ vẫn chiến thắng. Nếu cha con anh đã không nghĩ đến công sức tôi lo lắng cho gia đình này thì tôi kệ tất, muốn đi đâu thì đi.
Những ngày sau đó, căn nhà chìm vào lặng im đáng sợ. Con trai tôi cũng đã bỏ sang nhà bạn để tĩnh tâm ôn thi, để lại cho tôi lá thư nhòe chữ vì nước mắt. “Mẹ khác quá! Con và ba không cần tiền, chỉ cần mẹ thôi”.
Hóa ra khoảng cách là do chính tôi tạo ra vì bị cuốn vào tham vọng bạc tiền. Sự giàu sang có nghĩa gì khi được đánh đổi bằng sự xa cách của những người thân thiết nhất? Tôi cuống cuồng đi tìm con, tìm chồng.
Hy vọng sóng gió rồi sẽ qua.
N. H. V (TP. HCM)
thegiogiadinh.com.vn