Trường đời của mẹ

Đội nắng đội mưa chạy xe ôm, bán hàng rong lo cho con học trường quốc tế, làm ô sin góp tiền đưa con đi du học…tôi rơi nước mắt và ngả mũ kính phục khi chứng kiến tấm lòng cao cả của họ, những người mẹ nghèo chẳng ngại lặn lội trường đời để đưa con đến tương lai tốt đẹp nhất.

Chị Tư Nửa trong căn nhà nhỏ bé của mình.

  Tôi lần tìm đến nhà chị Tư Nửa (tên thật Hồ Thị Nửa) trên đường Võ Văn Ngân, P. Bình Thọ, Q. Thủ Đức, TP. HCM vào một buổi trưa nắng gắt. Chủ nhà là một người phụ nữ 46 tuổi, đậm người, có giọng cười nam tính sang sảng. Chị ngạc nhiên khi thấy có phóng viên tìm đến chị hỏi thăm chuyện chị chạy xe ôm, bán hàng rong lo cho con học trường quốc tế.

Liều vì con…

Đưa con vào “trường của con nhà giàu”, mẹ chẳng ngại vắt kiệt ức mình, mơ cho con tương lai tốt đẹp.

Mùa hè, không khí trong nhà chị Tư Nửa chẳng khác mấy so với ngoài trời, nóng hầm hập dưới mái tôn, lại không có nổi một cái quạt. Căn phòng thiếu ánh sáng trầm trọng, đồ đạc đơn sơ: chiếc bàn cũ kỹ đặt giữa nhà, bên cạnh là chiếc giường nhỏ, chăn màn lộn xộn. Trong nhà có một gác gỗ giăng rèm, chị Tư Nửa nhanh nhảu giới thiệu, đó là phòng ngủ của mẹ con chị.

Chia tay chồng từ khi đứa con trai đầu (sinh năm 1990) tròn hai tuổi, chị Tư Nửa một nách nuôi nấng hai đứa con thơ. Thế nhưng, chị khiến nhiều người cảm phục bởi không chỉ nuôi con khỏe mạnh, ngoan ngoãn mà còn lo được cho hai con học trường quốc tế.

Cậu con trai lớn của chị, em Trần Hải, 22 tuổi, đang là sinh viên năm cuối theo học ngành Quản trị Kinh doanh thuộc Chương trình Đào tạo Cử nhân Quốc tế của Đại học Sunderland (Anh) tại Việt Nam. Còn con gái út của chị là Trần Kim My, sinh năm 1992, cũng theo học ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ.

Chị kể, ban đầu, nghe con đòi học trường quốc tế, chị giãy nảy vì mình làm gì có tiền. Nhưng thấy con quyết tâm học, nghe con giải thích những ích lợi của việc học với giảng viên và chương trình đào tạo nước ngoài, chị bắt đầu nghĩ lại. Nghe người bạn bảo: “Nhà tao có tiền nhưng con tao chẳng chịu học, còn con mày chúng ham học vậy thì mày phải cố cho nó học”, chị đổi ý, quyết định liều… đầu tư cho con.

Không ai hình dung được người mẹ nghèo ấy làm cách nào để có tiền nuôi con đi học trường quốc tế. Nhưng nghe chị kể lại ngày tháng tảo tần của mình, người ta có thể tin người mẹ ấy đủ nghị lực, hy sinh để làm mọi thứ cho con.

Mười mấy năm trước, chị Tư Nửa bắt đầu mở sạp buôn bán nhỏ, nhưng dường như việc làm ăn không có duyên, cứ mãi trục trặc, chẳng dư được đồng nào, chị Tư Nửa quyết định… chạy xe ôm.

Chị kể: “Thời đó, đàn bà chạy xe ôm là hiếm lắm. Mấy ngày đầu xách xe ra đứng ngoài đường ở quận 9, tôi cũng mắc cỡ lắm, dù sao hồi đó mình cũng còn trẻ”. Mặc cho nắng gió, mặc cho đàn ông trêu chọc, chị vẫn… lì lợm cầm theo tấm bản đồ tìm đường, tập làm quen với ngôn ngữ đường phố của dân xe ôm… Chạy xe ngoài đường, da chị bị rám nắng và đen sạm mãi đến giờ.

Chị bảo, làm xe ôm vất vả, lại có những hôm ế khách, nhưng chị thấy vui. Chị nói, từ khi làm nghề này, chị có thu nhập khá hơn để lo cho con. Tính chị lại thích được đi nhiều, gặp gỡ nhiều người chứ không muốn ngồi một chỗ suốt ngày. Cách đây vài năm, trung bình một ngày chị cũng kiếm được 70.000-100.000 đồng.

Hỏi chị làm xe ôm có sợ bị cướp giật không, chị chỉ cười: “Nghề xe ôm là cái nghề nghèo và cực lắm rồi, chắc nhìn mình cướp cũng không nỡ lòng làm gì đâu”.

Năm 2005 là quãng thời gian lận đận nhất của gia đình chị. Chị phát hiện mình bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1. Phải nằm điều trị ở Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM mấy tháng trời. Chị nhập viện khi trong người chỉ còn vỏn vẹn 200.000 đồng, con trai chị phải đi xin cơm cho mẹ ăn. “Tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất và dặn dò các con: nếu mẹ mất thì một trong hai đứa phải hy sinh, nghỉ học đi làm kiếm tiền nuôi đứa kia đi học tiếp”, kể đến đó, mắt người mẹ đỏ hoe.

May sao, trời không phụ người có lòng, ngay lúc tưởng như vô vọng nhất, chị được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ tiền phẫu thuật. Xuất viện, số tiền chữa bệnh còn dư lại, chị dùng để mua một chiếc máy xay sinh tố. Chị nhẩm tính: sức mình còn yếu, chưa thể chạy xe ôm trở lại, mình sẽ làm sinh tố bán cho sinh viên trước cổng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM. Cái quầy nước nho nhỏ của chị Tư Nửa mọc lên từ đó.

Làm lụng chắt chiu, hai năm sau, chị tậu thêm một chiếc xe đẩy bán đủ các loại nước uống, cà-phê. Buổi sáng, chị còn bán thêm bún xào, bánh ướt… Mỗi khi ngơi tay, có ai cần đi xe ôm, chị lại gửi quầy hàng ở đấy, tranh thủ chạy xe.

Ngày nào cũng vậy, 3h sáng, chị lại lọ mọ dậy chuẩn bị nấu nướng, lặt rau. 5h30, chị đẩy xe hàng ra đầu hẻm bán đến khi trời tối mịt. Thấy mẹ một mình tất bật như con thoi, đi học về, các con chị cũng ra phụ mẹ một tay, đứa chạy bàn, đứa nấu nướng, giặt giũ quần áo…

Một ngày chỉ được ngủ 3, 4 tiếng đồng hồ, chị Tư Nửa vẫn vô tư: “Cuộc đời không có chồng cũng không buồn, tôi chỉ buồn mỗi khi bị công an hốt đồ thôi”. Chị kể, chị bị hốt xe, bàn ghế cả chục lần nhưng vẫn phải cố bám trụ vì miếng cơm, vì tiền học phí lên tới hàng chục triệu đồng mỗi học kỳ của các con (chỉ con trai lớn của chị, mỗi học kì đã đóng học phí khoảng 20 triệu).

Làm ô sin nuôi con du học

Đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, làn da đen sạm, gương mặt phờ phạc do thức đêm quá nhiều, mới 36 tuổi, chị N.N.H. (quê Hà Nam) trông già hơn tuổi thật rất nhiều.

Lấy chồng từ năm 16 tuổi, chị H. chẳng may gặp phải người chồng vũ phu. Chung sống được một năm, chị ôm đứa con trai tên K. (sinh năm 1992) chạy trốn vào Nam. Cuộc mưu sinh của hai mẹ con bắt đầu bằng nghề nhặt ve chai ở gầm cầu, xó chợ, rồi bán vé số, bán rau…

Một ngày, tình cờ chị được giới thiệu làm công việc chăm sóc người bệnh trong Bệnh viện Thống Nhất. Thấy lương cao, chị chẳng ngại ngần. Thế là chị dần quen với việc thức đêm thức hôm lo đút cơm, cho uống thuốc, bóp chân tay, giặt quần áo, tắm táp, vệ sinh thân thể cho người bệnh… Ngày nào cũng ăn cơm bệnh viện, ngủ ở bệnh viện, ngửi mùi bệnh viện… chị gầy đét. Chẳng ai ngờ, với công việc này, xoay trở đủ bề, chị đã ky cóp đủ tiền cho con trai đi du học Úc với số tiền cả mấy trăm triệu đồng.

Chị H. tự hào kể về con trai: Từ nhỏ xíu, theo mẹ sống tha phương, rồi trọ ở quận 12, K. đã biết tự lo cho bản thân rồi lo luôn cho mẹ. Ngày nào đi học về, K. cũng đi chợ nấu cơm mang vào bệnh viện cho chị. Cậu bé còn giúp mẹ làm những việc lặt vặt ở bệnh viện, mang quần áo bẩn của mẹ về giặt. “Nhờ trời thương, thằng con mình rất ngoan, học giỏi, không bao giờ làm mẹ buồn lòng”, chị bộc bạch. Năm lớp 12, K. bất ngờ nhận được học bổng du học bán phần ở Úc. Hai mẹ con nửa mừng nửa lo bởi số tiền gia đình phải bù vào để K. đi du học lên đến hàng trăm triệu.

Suy nghĩ thật kỹ, chị quyết định bán căn nhà nhỏ ở quận 12 mà mình đã dành dụm mua được nhờ tiền đi nuôi người bệnh, giúp việc nhà cả chục năm nay. Ba tháng chạy vạy tiền khắp nơi, từ ngân hàng cho tới người quen, chị cũng vừa đủ lo cho con. Sau khi con trai đi du học, chị lại bắt đầu “cày như trâu” kiếm tiền trả nợ.

Ước mơ của mẹ

Phải cõng người bệnh trên đôi vai gầy, mẹ của K. cắn răng chẳng than vãn nửa lời. Nghĩ đến con, chị lại như được tiếp thêm sức mạnh. Chị H. bảo, những khi mệt mỏi, nhận được điện thoại hỏi thăm từ con trai, chị thấy vui hẳn. Đến nay, con chị đã đi được 3 năm, dù rất nhớ con, chị vẫn quyết tâm cho con học xong tiến sĩ mới được trở về. Bây giờ, chị H. cũng bắt đầu thở phào khi con trai có thể làm thêm, tự trang trải cuộc sống của mình.

Còn chị Tư Nửa vẫn tự hào khi kể về những đứa con ngoan đang theo học ở những trường “chỉ dành cho con nhà giàu”. Có ngày tới đợt con nộp học phí, chị phải đi vay nặng lãi để lo cho con, vậy mà chị chẳng phàn nàn. Chị bộc bạch: “Tính tôi là con mặc một cái áo nhăn cũng không thể chịu nổi”. Chị bảo, xót nhất là mỗi lần con thi rớt, tiền thi lại đến hơn 4 triệu đồng một môn, nhưng chị hiểu các con mình đã cố gắng nhiều thế nào nên chẳng la mắng nặng lời.

Có lẽ hiểu lòng mẹ nên hai con của chị học rất khá. Con trai lớn chiều nào cũng phụ mẹ dọn hàng, con gái chị thì nấu cơm rất ngon. Trần Hải, con trai chị, tự hào: “Tôi may mắn vì được là con của mẹ. Nếu ở nhà khác, chắc tôi sẽ bị cho là đua đòi chơi sang. Mẹ tôi thẳng tính lắm, chỉ cần nói được là mẹ sẽ làm được. Tôi chỉ mong mẹ khỏe mạnh, chờ ngày mình ra trường, đi làm có tiền để mẹ không cực nhọc nữa”. Chị Tư Nửa giản dị bảo mình chỉ mong các con có việc làm tốt, tự lo cho cuộc sống của mình, khi không còn gánh nặng con cái trên vai, chị sẽ có thời gian chăm sóc cho mẹ già. Chị giải thích: “Mình đã hy sinh quá nhiều cho con cái rồi, giờ phải lo cho cha mẹ chứ!”.

Huyền Nguyễn

thegiogiadinh.com.vn