Vợ tôi là số 1!

Ở chung một nhà, dù phải sống trong “thế kẹt” khi là người đứng giữa cha mẹ và vợ nhưng anh Nguyễn Quốc An luôn có chính kiến rõ ràng, khách quan để duy trì không khí êm ấm cho gia đình.

Hòa giải khi có “tranh chấp”

 

Chủ đề: Chiều vợ

Trong các gia đình đa thế hệ, sự khác biệt trong quan điểm sống dễ tạo nên nhiều “sóng gió” giữa các thành viên. Đối với vấn đề khá tế nhị và nhạy cảm như “chiều vợ”, giữa cha và con trai trong gia đình liệu có nhiều khoảng cách và “nhuốm màu tuổi tác” như những suy nghĩ khác trong cuộc sống hay không?

Trước những thói quen, cử chỉ tưởng như bình thường của vợ chồng nhưng giữa gia đình nhiều người, nhiều lối suy nghĩ khác nhau có thể trở thành “ngòi nổ”, các thành viên sẽ phải làm gì để cân bằng giữa lối sống riêng và nếp chung của cả nhà?

TGGĐ đã cùng gặp gỡ anh Nguyễn Văn Tâm (133 ấp Tam Đông, Thới Tam Thôn, Hóc Môn) cùng con trai anh, anh Nguyễn Quốc An, 27 tuổi, nhân viên thiết kế công ty TNHH Vinaecom (Q. Tân Bình, TP. HCM) để chia sẻ về vấn đề này.

Có gia đình riêng rồi mà vẫn sống chung với ba mẹ thì anh thấy có thoải mái không?

Anh Quốc An: Tôi đang sống ở nhà mình nên đương nhiên thấy quen rồi. Có điều vợ tôi đôi lúc cũng khó chịu vì không được tự nhiên cho lắm.

Anh có thấy vợ thiệt thòi?

Anh Quốc An: Chưa có điều kiện thì phải chấp nhận. Chắc vợ tôi cũng hiểu, vì trước khi cưới chúng tôi đã “quán triệt tư tưởng” cho nhau rồi.

“Hai gia đình” sống chung ít nhiều sẽ có đụng chạm. Anh sẽ làm gì những lúc đó?

Anh Quốc An: Tôi thường khuyên vợ nhường nhịn cha mẹ cho tròn phận làm con. Có xích mích, tôi sẽ im lặng.

Nhưng đến lúc vợ cần sự ủng hộ của anh thì sao? Bên tình bên hiếu anh sẽ phải chọn bênh nào?

Anh Quốc An: (Gãi đầu) Tôi sẽ cố gắng công bằng nhất có thể. Lúc đó thì hòa giải thôi, khi nào bình tĩnh mới nói chuyện đúng sai được.

Vợ anh không giận sao?

Anh Quốc An: Có chứ. Nhưng vì tôi chỉ khuyên nhủ chứ không bênh vực ai nên dù vợ có giận thì cũng dễ nguôi.

Vẫn chiều vợ hết lòng

Vợ chồng anh có thường dành những cử chỉ quan tâm nhau trước mặt ba mẹ?

Anh Quốc An: Cũng có nhưng không thường xuyên. Vợ chồng tôi vẫn gọi nhau bằng biệt danh (tôi là Ngố, vợ tôi là Đậu). Còn ôm hôn thì hiếm. Dù ba mẹ không khó khăn trong những chuyện này nhưng bọn tôi vẫn thấy ngại.

Ngại do có ba mẹ ở đó hay ngại quan tâm nhau?

Anh Quốc An: Chúng tôi chỉ giữ ý tứ thôi chứ hai vợ chồng vẫn còn thắm thiết lắm.

Cứ giữ kẽ như vậy có ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi?

Anh Quốc An: Tôi vẫn luôn cố gắng để cuộc sống vợ chồng tự do nhất có thể. Ngay cả trong những xung đột gia đình, lúc đã yên ắng mọi chuyện, tôi sẽ lắng nghe vợ nhiều hơn để cô ấy cảm thấy được chia sẻ.

Nếu vợ thực sự bức xúc với ba mẹ thì anh sẽ chia sẻ với vợ thế nào?

Anh Quốc An: Đương nhiên tôi hiểu và thông cảm với vợ nhiều hơn. Sự ủng hộ của tôi sẽ giúp cô ấy đỡ ức chế khi sống chung với ba mẹ chồng.

Anh ủng hộ sau lưng có làm tình cảm vợ anh dành cho ba mẹ chồng xấu đi?

Anh Quốc An: Vợ tôi không phải là người cố chấp, hay để bụng. Tôi thường động viên cô ấy về việc sống chung với ba mẹ là chia sẻ không gian, có chỗ dựa về vật chất và tinh thần nên hạn chế phán xét, can thiệp vào đời sống riêng của nhau. Vợ tôi cũng đồng ý như vậy.

Nếu vậy, sự gắn kết của gia đình anh có bền chặt?

Anh Quốc An: Gia đình của tôi là vợ và con sau này thì tôi cần hiểu và yêu vợ hơn. Tôi nghĩ ba mẹ cũng không phản đối tôi yêu chiều vợ vì đó là hạnh phúc của tôi. Vợ là ưu tiên, là số một với tôi thì có gì sai?

Anh có ý định sống chung lâu dài với ba mẹ?

Anh Quốc An: Sống chung với ba mẹ mãi đâu có tốt. Vợ chồng tôi vẫn muốn ra riêng.

Anh nghĩ ba mẹ sẽ ủng hộ hay phản đối?

Anh Quốc An: Ủng hộ chứ. Chúng tôi còn trẻ, cần tận hưởng cuộc sống riêng tư thoải mái. Tình cảm vợ chồng được vun đắp trong thời gian đầu sẽ bền chặt về sau.

Khi nào anh muốn ra riêng?

Anh Quốc An: Càng sớm càng tốt.

Cảm ơn anh! Chúc anh có cuộc sống lứa đôi hạnh phúc

Ngọc Giao thực hiện

thegiogiadinh.com.vn